Hội thảo khoa học: “Những tiến bộ trong công nghệ phân tích, thử nghiệm, giám sát môi trường và an toàn thực phẩm – Yếu tố quan trọng để phát triển bền vững ở Việt Nam” là sự kiện quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phân tích thử nghiệm phục vụ kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm và môi trường ở Việt Nam.
Hội thảo do Hội các phòng thử nghiệm Việt Nam (VINALAB) và Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị phân tích Nhật Bản (JAIMA) phối hợp với Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đại học Tokyo (Nhật Bản) tổ chức. Tham dự có hơn 40 tổ chức với hơn 250 đại biểu là cán bộ nghiên cứu, các tổ chức khoa học và công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và các nhà sản xuất thiết bị phân tích phía Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), Chủ tịch VINALAB cho biết, trước vấn nạn ô nhiễm môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, hội thảo tập trung vào việc phân tích và thử nghiệm phục vụ việc kiểm soát môi trường và an toàn thực phẩm, qua đó góp phần định hướng phát triển các công nghệ mới tiên tiến, các giải pháp tối ưu nhằm đáp ứng yêu cầu phân tích, thực nghiệm mới cho Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học, các nghiên cứu viên và các kỹ thuật viên hoạt động trong lĩnh vực thử nghiệm, kiểm nghiệm thực phẩm và môi trường ở Việt Nam, Nhật Bản trao đổi học thuật, cập nhật kỹ thuật mới, giải quyết các vấn đề khó khăn gặp phải trong hoạt động chuyên môn.
Hội thảo đã tập trung thảo luận về: Những tiến bộ trong công nghệ phân tích, thử nghiệm ứng dụng trong kiểm nghiệm và giám sát chất lượng thực phẩm và môi trường ở Nhật Bản; khả năng chuyển giao ứng dụng tại Việt Nam; kết quả nghiên cứu mới trong phân tích, thử nghiệm chất lượng thực phẩm và môi trường ở Việt Nam và Nhật Bản…
Trình bày về công nghệ kênh dẫn vi lưu (Microfluidic và Nanofluidic) phục vụ phân tích hóa học siêu nhạy, GS.TS Mawatari Kazuma (Đại học Tokyo, Nhật Bản) cho biết, công nghệ này cho phép phân tích kiểm soát trên quy mô rất nhỏ và thiết bị nhỏ gọn, tiết kiệm chi phí, hiệu quả hơn hệ thống thông thường khác.
Công nghệ này đang từng bước trở thành công nghệ mũi nhọn cho phép chế tạo những vi hệ thống sử dụng những vi thể tích chất lỏng (còn được biết đến với tên gọi “phòng thí nghiệm siêu nhỏ tích hợp trên một con chip” lab-on-chip). Công nghệ kênh dẫn vi lưu có khả năng ứng dụng trong một số lĩnh vực công nghệ cao như hóa sinh, sinh học phân tử, bào chế thuốc…
Cũng tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày kết quả hợp tác quốc tế giữa Trường Đại học Khoa học tự nhiên và Đại học Tokyo, Nhật Bản; PGS. TS Lê Đức Minh – Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày về phân tích gen môi trường. Đây là một trong những hướng nghiên cứu mới dựa trên tiếp cận về ảnh hưởng của các tác nhân môi trường lên hệ gen và các gen cụ thể…
Trong khuôn khổ của sự kiện còn có khu trưng bày thiết bị và công nghệ VINALAB – JAIMA 2023 của 20 doanh nghiệp. Tại đây, thông qua 23 gian hàng, các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đã giới thiệu, trưng bày những tiến bộ khoa học – công nghệ trong phân tích các chất ô nhiễm mới nổi như vi nhựa, kháng sinh, các hợp chất POPs trong các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, các sản phẩm tẩy rửa, hóa chất dùng trong sản xuất nông nghiệp… với hy vọng tìm kiếm đối tác phát triển sản xuất, cung cấp và sử dụng các trang thiết bị khoa học – công nghệ trong lĩnh vực phân tích an toàn thực phẩm và môi trường.
Nguồn: hanoimoi